Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Wednesday, February 1, 2012

Những Tiếng Gọi Trong Đời



Câu chuyện thật nầy đã xảy ra vào khoảng năm 1930 và có liên hệ đến một người bà con xa của tôi ở miền Trung nước Việt Nam. Ông ta sinh sống bằng nghề chèo đò chở khách xuôi theo dòng sông từ một nhà ga xe lửa ở miền núi về các làng ở miền xuôi. Cùng làm nghề nầy còn có nhiều người khác nữa. Mỗi lần có xe lửa dừng lại là những người chèo đò nầy giành nhau đón khách như kiểu chúng ta thấy nhiều xe taxi đậu bên ngoài các nhà ga xe lửa hay phi trường tại các thành phố.

Một ngày nọ, có một hành khách từ Sài Gòn đến, ăn mặc sang trọng và có lẽ có nhiều tiền trong chiếc va-li nhỏ mà ông ta ôm chặt trong tay. Ông ta thuê riêng một chuyến đò dọc ban đêm để về làng ở gần cuối dòng sông, giáp vùng ven biển.


Trong đêm hôm đó, ông hành khách nầy đã bị người chèo đò giết chết để cướp chiếc va-li nhỏ mà ông ta xách theo. Sau cuộc điều tra sơ khởi của làng và lính huyện, người bà con của tôi làm nghề chèo đò đã bị bắt về tội giết người cướp của và bị lên án tử hình một cách mau chóng. Người bà con của tôi phải ngồi tù chờ ngày bị xử chém nhưng ông một mực kêu oan là ông bị bắt lầm, vì đêm hôm đó ông không chở người hành khách nói trên.


Người bà con của tôi bị giam vào ngục tối ở nhà tù tỉnh lỵ. Trong mấy tháng bị giam, vợ con, cha mẹ ông ta đã bán vườn bán ruộng chạy tiền thầy kiện nộp đơn khiếu nại lên vị Công Sứ Pháp. Lúc ấy, một vị Công Sứ Pháp trẻ tuổi, mới học ở trường Luật bên Pháp ra, từ Hà Nội vào nhậm chức hứa sẽ xét lại vụ án. Theo lời người thông ngôn thì vị Công Sứ Pháp nhận thấy vụ án nầy xử quá mau, và nhất là nạn nhân bị giết chết lại là cháu của ông quan huyện xét xử vụ án lúc bấy giờ.


Vào một buổi sáng sớm tinh sương, người bà con của tôi đang ngồi bó gối trong ngục tối bỗng nghe tiếng người đi sột soạt bên ngoài, và rồi có hai người lính cầm chìa khóa tới trước cửa phòng giam. Ông ta run lẩy bẩy biết ngày xử tử đã đến. Có lẽ ông sẽ được cho ăn một bữa cơm ngon có thịt có cá, được hút một điếu thuốc cuối cùng loại thơm nhất, và rồi sẽ bị đem ra pháp trường cho đao phủ chém đầu.


Người lính tra chìa vào ổ khóa và mở cửa phòng giam. Tiếng lạch cạch của ổ khóa nghe thật lạnh người và rùng rợn giữa không khí im lặng buổi sáng sớm. Người lính cất tiếng dõng dạc nói: "Anh tù kia, đứng dậy mà nghe thầy thông ngôn đọc lệnh quan Công Sứ!" Người bà con tôi hồn vía lên mây nhưng cố gắng lấy can đảm đứng dậy. Từ bên ngoài bước vào một người đeo kính trắng, mặc Âu phục trắng, thắt cà-vạt đen, khác với mọi người lúc bấy giờ mặc áo dài đen theo y phục cổ truyền của người Việt Nam. Ông ta đứng ngay cửa và mở một tờ giấy ra đọc một tràng tiếng Pháp. Xong rồi, ông dịch ra tiếng Việt như sau: "Quan Công Sứ Pháp đã xét lại vụ án nầy, và sau nhiều ngày điều tra, đã bắt được tên thủ phạm thực sự đã giết chết người hành khách trên chuyến đò cách đây tám tháng. Vì anh đã bị bắt lầm nên quan Công Sứ đã ra lệnh cho quan huyện tuyên bố tha bổng cho anh. Anh được trả tự do kể từ hôm nay, và án tịch của anh đã được hủy bỏ. Theo lệnh của quan Công Sứ, nhà nước của Nam triều sẽ cấp cho anh 30 đồng để về quê tiếp tục sinh sống."


Người bà con tôi sững sờ khi nghe những lời trên, nước mắt ông chảy tràn trên đôi má vì quá sung sướng. Thay vì nghe lệnh ra pháp trường để bị chém đầu, ông đã được nghe lệnh tha bổng và được về nhà gặp lại vợ con! Về sau, ông thuật lại cho mọi người rằng chưa bao giờ ông cảm thấy tiếng nói của người thông ngôn tòa Công Sứ đã đọc lệnh tha bổng cho ông quá ngọt ngào và huyền diệu như vậy. Ðối với người bà con của tôi, thì tiếng nói của viên thư ký tòa Công Sứ Pháp là tiếng nói cải tử hoàn sinh, đưa ông ta từ địa vị kẻ sắp chết được sống lại